(CATP) Ngay sau thông tin Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới, mặt hàng khẩu trang y tế (KTYT) trên thị trường nhanh chóng tăng giá. Nếu như trước đó một tuần, giá bán lẻ 1 hộp KTYT chỉ từ 50 - 60 ngàn đồng thì trong tuần này, giá 1 hộp khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ có lúc tăng vọt lên 150 ngàn đồng.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, phóng viên Báo Công an TPHCM đã thâm nhập, tìm hiểu thị trường KTYT và phát hiện sự thật không ngờ.
Chiều 31-7-2020, trong vai người có nhu cầu mua lượng lớn KTYT, chúng tôi tiếp cận người đàn ông tên M. (ngụ Q.Tân Phú, TPHCM) là "cò” chuyên giới thiệu, buôn lậu sỉ mặt hàng này.
Sau vài lời giới thiệu, M. vào thẳng vấn đề: "Bên em có mối với xưởng làm khẩu trang ở miền Bắc, đặt sỉ với giá tốt cho anh em buôn có nhu cầu "ôm" hàng. Anh cọc trước 50 - 60%, 4 - 5 ngày sau sẽ có xe chở hàng đến tận nhà”.
Theo M., mối khẩu trang của ông ta hiện đang rẻ nhất thị trường. Tuy nhiên, người mua cần "ôm" hàng số lượng lớn để có được giá tốt. Theo tính toán của M., nếu khách hàng mua 100 thùng khẩu trang (50 hộp/thùng, 50 cái/hộp), giá mỗi thùng dao động trên dưới 4 triệu đồng, tùy thời điểm (tương đương 70 ngàn đồng/hộp). Đây là KTYT do xưởng gia công trong mùa dịch để bán kiếm lời, nên sẽ không dập nhãn mác, thông tin về nhãn hiệu, xuất xứ in trên hộp cũng không chính xác.
Còn thị trường bán lẻ, hầu như không thể tìm được KTYT tại các địa điểm bán lẻ như: cửa hàng tiện lợi, tiệm thuốc tây... Tuy nhiên, trên mạng xã hội Facebook và các trang thương mại điện tử (TMĐT), mặt hàng KTYT vẫn được bán tràn lan với giá cả "trên trời".
Liên tục phát hiện nhiều xưởng sản xuất, buôn lậu khẩu trang giả
Trên trang TMĐT Shopee, nhiều người buôn lẻ vẫn đang rao bán KTYT với giá từ 80 - 150 ngàn đồng/hộp 50 cái. Tìm hiểu tại nhiều "shop" trên trang này, tất cả các hộp khẩu trang đều được in những dòng chữ bắt mắt, như "khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn", "ngăn 99% vi khuẩn", khẩu trang có chứng nhận ISO, FDA... Đây là các đầu nậu "con", "ôm" hàng theo từng thùng và xé lẻ bán kiếm lời. Trên mạng Facebook, các loại khẩu trang với hộp in bắt mắt, nhưng không có tên thương hiệu, công dụng được quảng bá "trên trời" với nhiều mức giá.
Tuy vậy, 2 ngày gần đây, giá khẩu trang bán buôn đang có xu hướng giảm khá nhiều. Các đầu nậu tiết lộ là do mặt hàng này đang bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt rất gắt gao. Theo khảo sát, giá KTYT được rao bán từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/thùng, giá bán lẻ khoảng 90 - 150 ngàn đồng/hộp 50 cái.
"Ngồi trên đống lửa" vì lỡ "ôm" hơn 100 thùng khẩu trang ở giá 5 triệu đồng/thùng, đầu nậu tên Hải tỏ vẻ lo lắng: "Lúc dịch bùng lên, mình "ôm" liền, nhưng giá cũng đã hơn 5 triệu, mà phải đợi 3 ngày mới có hàng. Tính đợi giá cao hơn sẽ bán ra, giờ dân buôn đồng loạt xả hàng, đẩy giá xuống chỉ còn trên dưới 3 - 4 triệu/thùng". Hải cho biết, thông tin về nhiều vụ bắt buôn lậu khẩu trang và khẩu trang giả khiến nhiều đầu nậu "cóng chân", sợ bị cơ quan chức năng phát hiện nên xả hàng ra bán liên tục.
Liên tiếp phát hiện khẩu trang, găng tay y tế giả
Sáng 1-8, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT tỉnh Hòa Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức kiểm tra, phát hiện hàng ngàn cái găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc tại Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng BM (gọi tắt là Công ty BM, do bà Nguyễn Thị Hoa làm giám đốc, địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình). Lực lượng chức năng tạm giữ hơn 100 ngàn cái KTYT loại 3 - 4 lớp đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Ngoài khẩu trang giả, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng ngàn cái găng tay cao su đã qua sử dụng, Công ty BM chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ về số hàng này. Được biết, Công ty BM vừa mới thành lập, bắt đầu sản xuất từ tháng 4-2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ.
Chiều 30-7, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổ công tác 368 và Cục QLTT TPHCM kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (gọi tắt là Công ty Nam Anh) trên đường Lê Lăng (Q.Tân Phú, TPHCM). Tại đây, có hàng trăm thùng hàng đựng hơn 150 ngàn cái khẩu trang nhãn hiệu 3M, giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ.
Đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại nước ta. Đại diện Công ty Nam Anh cho biết, số khẩu trang 3M giả này đã được hoàn thiện, đóng gói, dự kiến đưa ra thị trường toàn quốc tiêu thụ.
Trong thời điểm dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam, các loại khẩu trang giả, không đảm bảo về chất lượng như thế này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phòng, tránh dịch bệnh. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người tiêu dùng cần lựa chọn khẩu trang đảm bảo chất lượng giúp an toàn phòng dịch.
4 đối tượng sản xuất trang phục y tế giả bị truy tố
Ngày 3-8, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội cho biết, đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, gồm: Trương Thị Bình (38 tuổi, phó giám đốc), La Văn Thi (38 tuổi, giám đốc kinh doanh), Nguyễn Đức Việt Anh (33 tuổi, nhân viên kinh doanh, cùng Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh, địa chỉ tại Q.Đống Đa, Hà Nội), Hoàng Văn Tới (31 tuổi, nhân viên khoa khám bệnh của một bệnh viện lớn tại Hà Nội).
Theo cáo trạng, ngày 8-4-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội phối hợp với Cục QLTT thành phố bất ngờ kiểm tra công ty trên, phát hiện nhân viên công ty đang đóng gói hàng ngàn bộ trang phục phòng dịch, có dấu hiệu làm giả trang phục phòng dịch của Công ty cổ phần Dược và thiết bị y tế Phúc Hà (Q.Bắc Từ Liêm), Công ty TNHH In và dịch vụ thương mại Quang Trung (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).